Cho dù bạn là một người cụt chi mới hoặc đã được sử dụng Chân, Tay giả trong nhiều năm, bạn có thể không nhận thức được tất cả những tiến bộ thú vị gần đây trong sự phát triển của ngành Kỹ thuật Chỉnh hình – Sản xuất Chân Tay Giả và Nẹp Chỉnh hình.
Đột phá đã đến trong công nghệ sản xuất; Thiết kế hiện đại; Vật liệu mới, cũng như các loại Linh kiện hay Bán thành phẩm mới. Chân Tay giả và Nẹp Chỉnh hình ngày nay có một loạt các chức năng và lợi ích có thể giúp bạn đạt được mức độ hoạt động mong muốn. Điều quan trọng là bạn phải có một sự hiểu biết cơ bản về lĩnh vực này. Mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động phục hồi chức năng và lắp chân tay giả của bạn là để khôi phục lại khả năng vận động, di chuyển.
Nếu bạn là một người cụt chi mới (hoặc một người bạn hoặc thành viên trong gia đình), bạn sẽ có nhiều câu hỏi. Những gì xảy ra tiếp theo? Tôi có thể mong đợi những gì? Tôi có thể tiếp tục đi lại, hoạt động để: Lao động? Học tập? Làm việc?…vv. Nhiều trong số những câu hỏi được trả lời tốt nhất bởi các Kỹ sư Chỉnh Hình. Các Chuyên gia, Kỹ sư chuyên ngành Chân Tay Giả giầu kinh nghiệm của Trung tâm Chỉnh hình GIA KHIÊM luôn sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ bạn.
Điều trị ngay sau phẫu thuật
Việc chăm sóc và điều trị đối với bệnh nhân cụt chi vào giai đoạn đầu, sau phẫu thuật chú trọng vào việc vận động trên giường và xung quanh phòng bệnh của bệnh nhân. Người ta bắt đầu việc này ngay từ đầu, sau phẫu thuật cho đến khi tình trạng của bệnh nhân đã tốt.
Những cử động thiết thực cần thử trước tiên là gập hông, duỗi hông, khép hông và dạng hông, những bài tập tĩnh cho cơ tứ đầu và gối trong cử động gập và các cử động co cơ bắp của mỏm cụt chân, đoạn chi ngang xương chày.
Ngay sau khi cắt đoạn chi, về mặt tâm lý bệnh nhân khó chấp nhận phần còn lại của chi (mỏm cụt) vì trong giai đoạn này bộ phận ấy trông không đẹp mắt lắm. Ở giai đoạn này có thể xuất hiện những phản ứng chuyển tiếp kịch liệt (thí dụ như sự lo âu hoặc chán nản tột độ). Phương pháp thích hợp nhất để chế ngự nỗi đau khổ cùng cực ở giai đoạn này là lắng nghe, chấp nhận và cố kìm nén cảm xúc.
Biến chứng ở mỏm cụt
- Vết thương hở
- Dò vết thương
- Nhiễm trùng xương
- Chồi xương
- Viêm da
- Phù nề với nghi ngờ do bệnh lý tiềm ẩn
- Tổn thương mô mềm
- Hoại tử
- U thần kinh
Phù nề phần còn lại của chi
Phù nề phần còn lại của chi xảy ra ngay sau phẫu thuật do chấn thương phẫu thuật và cũng có thể tái phát bất kỳ lúc nào trong quãng đời sau này vì nhiều lý do khác nhau.
Chủ động luyện tập đều đặn, sử dụng các nhóm cơ đối kháng để thực hiện các động tác dang, khép, gấp duỗi mỏm cụt là phương pháp tốt nhất để giảm thiểu phù nề.
Chế ngự cơn đau
Đối với người cụt chi, sự hiện diện của cơn đau có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Đau có thể xuất hiện trước khi cắt cụt, trong giai đoạn đầu sau cắt cụt và đôi khi nó có thể trở thành một vấn đề kéo dài dai dẳng.
Người cụt chi có thể cho biết rằng cơn đau được cảm thấy ở trong mỏm cụt hay là trong chi ma (chi đã bị cắt).
Cảm giác ma: điều này có thể được miêu tả như là “một cảm giác không đau đớn hoặc là ý thức nhận biết về sự hiện diện của một chi đã bị cắt cụt”.
Đau chi ma: điều này có thể được miêu tả như “ một cảm giác đau đớn được nhận thấy trong phần chi đã bị cắt cụt”. Đau chi ma có thể bao gồm cảm giác nóng bỏng, đau như bị dao đâm vào, chuột rút, vặn xoắn, đè ép và một cảm giác đau giống như bị điện giật hay cảm giác của một chân đang bị nghiền nát, Katz (1992).
Thao tác băng mỏm cụt cắt ngang xương chày đúng kỹ thuật:
- Băng mỏm cụt chặt hơn ở phía cuối !
- Băng lỏng dần về phía đầu gối !
- Chánh các nếp nhăn khi băng !
- Nếu thấy mỏm cụt bị tê, cần tháo ngay băng ra !
- Băng phải luôn sạch sẽ !
Phòng ngừa hiện tượng co cứng
Nếu cắt đoạn chi dưới khớp gối, gối phải ở tư thế duỗi ngay sau phẫu thuật. Khi băng bó phải tránh tình trạng phần chi còn lại bị gập. Đau nhức thường đưa đến tình trạng co rút cơ gấp ở cả hông và gối và không thể để kéo dài, cần có biện pháp giảm đau hữu hiệu.
Nếu cắt đoạn chi trên gối, phải chú ý đến sự phát triển của co cứng gập hông nhưng phải nhớ rằng mỏm cụt ngắn của chân cắt ngang xương đùi cũng có thể bị dạng ra do lực kéo không có đối kháng của cơ mông trung và cơ mông nhỏ không bị cắt. Phải tập chủ động duỗi và khép hông.
Bệnh nhân cụt chi thường là phải ngồi lâu trên giường hay xe lăn. Vì thế cần có những lần trong ngày nằm sấp hay nằm ngửa để hông được ở vị trí trung gian. Có thể tư thế nằm sấp không thích hợp với một số bệnh nhân, chẳng hạn những người có vấn đề về hô hấp, tim mạch, bụng to…vv. Đối với những người này, cần tìm một vị trí trung gian cho hông, thí dụ nằm nghiêng một bên, mỏm cụt ở bên trên.